Nông dân trồng lúa ở Việt Nam ứng dựng công nghệ cao nhằm ứng phó với tình trạng khan hiếm nước tưới trong tương lai

lua-vn-1.png

  • Kể từ thập niên 70, chính sách “ưu tiên cho cây lúa” của Việt Nam đã tạo điều kiện cho việc xây dựng nhiều công trình đê bao, giúp nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể tự chủ bơm tưới và có thể canh tác nhiều vụ trong năm.
  • Hiện nay, trước tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cùng với các đập ở thượng nguồn và chính sách mới của chính phủ về việc bảo tồn nước, người nông dân cần tìm ra giải pháp để giảm lượng nước tiêu thụ.
  • Trong một dự án thí điểm, các nhà nghiên cứu đã hợp tác với nông dân địa phương để triển khai kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (alternate wetting and drying – AWD), kết hợp với ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp nông dân tiết kiệm nước và giảm lượng khí thải.

TRÀ VINH, Việt Nam – Trong cái nóng oi bức của mùa khô ở Trà Vinh, Thạch Ren – nông dân trồng lúa – đứng quan sát cánh đồng lúa vừa thu hoạch và tay đang cầm chiếc điện thoại thông minh. Cánh đồng xanh một thời đã trở nên cằn cõi, chi chít vỏ trấu. Anh Ren, 43 tuổi, người đã chứng kiến sự thay đổi của cảnh quan đất đai và sông nước trong nhiều năm qua, là một thành viên trong nhóm nông dân thử nghiệm phương pháp canh tác lúa mới.

Anh Ren là thành viên của hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần, một trong ba hợp tác xã tham gia trong dự án thí điểm với trường đại học của địa phương. Chính sách mới và tình trạng biến đổi khí hậu đã gây khó khăn cho nông dân trồng lúa ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn nước, dự án thí điểm này có thể cung cấp giải pháp cho bài toán nguồn nước mà nông dân không phải thay đổi lối sống hiện giờ của mình.

Giờ đây, chỉ với một nút bấm, anh Ren có thể kết nối với mạng lưới cảm biến và máy bơm nước, giúp kết nối trực tiếp với cánh đồng lúa của mình và giảm lượng nước cần dùng để trồng lúa.

“Tôi chỉ cần nhấn nút nguồn … để kiểm tra mực nước trên ruộng của mình” – anh Ren cho biết.lua vn 2

(Năm 2017, Trường Đại học Trà Vinh đã lắp đặt máy bơm "thông minh" cho các nông dân địa phương như Thạch Ren để họ có thể sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra mực nước trên ruộng lúa mà không cần trực tiếp ra thăm đồng. Ảnh: Giang Phạm)

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Đất nước được bao trùm với khung cảnh bàn cờ gồm những cánh đồng xanh ngọc lục bảo và màu nâu vàng lưu giữ qua nhiều thế hệ. Nhưng giờ đây, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng đến đất liền và đường thuỷ, khung cảnh này đã có sự thay đổi nhanh chóng.

Anh Ren chứng kiến điều này mỗi ngày. Anh đã trồng lúa hơn 20 năm và nhận thấy rằng đã đến lúc phải thử một điều gì đó mởi mẻ hơn.

“Việc trải nghiệm một kỹ thuật mới là một quyết định mạo hiểm với tôi” – anh Ren chia sẻ.

Kỹ thuật mới được gọi là kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, hay AWD. Đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn, các nhà nghiên cứu và nông dân địa phương đang làm việc cùng nhau để thực hiện một phương pháp canh tác lúa sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Trong nửa thế kỷ qua, việc trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là một quá trình sử dụng rất nhiều nước, với mạng lưới đê điều và kênh rạch phức tạp để có thể thu hoạch nhiều vụ mỗi năm. Nhưng khi nguồn nước dần trở nên cạn kiệt do hạn hán, nạo vét cát, mực nước biển dâng cao và các đập thuỷ điện ở thượng nguồn, chính phủ Việt Nam đang kêu gọi người nông dân như anh Ren sử dụng các phương pháp tưới tiêu bền vững hơn.

Đến năm 2023, Chính phủ đề ra kế hoạch sẽ hạn chế tiếp cận nước ngọt thông qua các con kênh mà nông dân sử dụng từ lâu nay, đặt ra thách thức cho các hộ gia đình từ lâu đã sử dụng phương pháp tưới ngập theo kiểu truyền thống.

lua vn 3

(Thạch Ren là một trong những nông dân ở Việt Nam lấy nước từ hệ thống kênh rạch bơm nước từ sông Mekong. Những con kênh này cho phép họ canh tác nhiều vụ trong năm, nhưng nông dân bị hạn chế trong việc kiểm soát dòng nước. Ảnh: Giang Phạm)

Được sự hỗ trợ của trường Đại học Trà Vinh (TVU), nông dân ở hợp tác xã Phú Cần đang thử nghiệm một kỹ thuật giúp người dân sản xuất ra cùng một lượng lúa trong khi sử dụng ít nước hơn tới 20%.

Anh Ren là một trong những nông dân đầu tiên tham gia dự án thí điểm và anh cho biết hiện tại anh chỉ cần bơm nước từ 3 đến 4 lần mỗi vụ, so với phương pháp truyền thống, phải bơm nước mỗi khi bề mặt đất hơi khô – thường là 10 lần mỗi vụ.

Anh Ren nói “Sự khác biệt về năng suất là nhỏ, nhưng phương pháp mới có chi phí thấp hơn nhiều so với canh tác truyền thống”.

Nông dân ở Việt Nam trả tiền nước theo diện tích chứ không phải khối lượng, chi phí cho máy bơm điện có thể cao.

Anh Năm Dũng gắn bó với nghề trồng lúa “từ ngày anh biết cầm cuốc”. Anh năm nay đã 46 tuổi, đã tham gia vào dự án thí điểm sau khi nghe tin tức về dự án này. Anh đã thử một phiên bản AWD nhiều năm trước, nhưng chưa có được hiệu quả. Nhưng lần này, phương pháp này đã đem lại sự thay đổi tích cực.

“Không những tiết kiệm được nước mà còn giảm được tiền mua máy bơm nước. Người dân chúng tôi còn có thể giảm lượng phân bón cần thiết, tăng năng suất cây trồng và tránh việc cây lúa bị đỗ ngã gây thất thoát,” anh Dũng nói.

lua vn 4

(Anh Năm Dũng đã trồng lúa gần 3 thập kỉ. Anh đã sử dựng phương pháp canh tác ngập khô xen kẽ – AWD hơn 10 năm. Anh đã tham gia một chương trình thí điểm vào năm 2017 để thử nghiệm công nghệ mới sử dụng máy bơm thông minh và vẫn tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay. Ảnh: Giang Phạm)

lua vn 5

(Những cánh đồng lúa của hợp tác xã Phú Cần nằm dọc những con đường chỉ vừa đủ cho những chiếc xe máy của nông dân chất đầy các bao lúa. Nông dân bán lúa tươi và bán cho thương lái, sau đó các thương lái này bán sản phẩm thô đến các nơi khác. Ảnh: Giang Phạm)

Ứng dựng AWD:

Kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ là quy trình luân phiên bơm nước vào ruộng và để ruộng khô. Khác với phương pháp ngập liên tục, ruộng lúa được để khô trong vài ngày trước khi tưới ngập trở lại. Nông dân cần theo dõi chặt chẽ cánh đồng của mình để xác định thời điểm cần tưới lại, nhằm sử dụng lượng nước tối thiếu để giữ cho cây khoẻ mạnh.

AWD đã được thử nghiệm và sử dụng ở các vùng trồng lúa trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ, bao gồm tỉnh An Giang của Việt Nam, nhưng còn mới với người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc thuyết phục nông dân chuyển sang hình thức tưới tiêu mới và điều này cần sử dụng nhiều lao động hơn và mất nhiều năm để thực hiện.

Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Trà Vinh đã tạo ra ứng dụng để có thể giúp AWD dễ triển khai hơn giúp nông dân không phải liên tục ra đồng theo dõi. Với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và chính phủ Canada, mỗi lô AWD được trang bị một cảm biến chạy bằng năng lựơng mặt trời để kiểm tra mực nước mỗi 5 phút.

Dữ liệu này được truyền theo thời gian thực tới phần mềm dựa trên dữ liệu đám mây, sau đó phần mềm sẽ gửi các khuyến nghị cho nông dân thông qua ứng dụng, cho phép họ kiểm soát mực nước trên cánh đồng của mình mà không cần phải trực tiếp ra đồng để theo dõi.

“Nếu bận việc không ra đồng được, tôi chỉ cần mở ứng dụng lên và xem mực nước từ điện thoại”, anh Dũng nói. “Tôi có thể thực hiện việc này ở bất cứ đâu chỉ bằng cách nhấn nút”.

Các nhà nghiên cứu khởi động dự án này sau đợt hạn hán nặng nhất trong hơn 1 thế kỷ ở miền Nam Việt Nam vào năm 2016, đã gây ra hậu quả nặng nề cho các cánh đồng. Kể từ đó, hạn hán và xâm nhập mặn trở nên tồi tệ hơn.

Các con đập ở các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông, cùng với việc khai thác cát tràn lan, với mục đích chính để sử dụng sản xuất các sản phẩm như bê tông, nhựa đường, đã làm thay đổi cảnh quan, nước biển thấm từ đại dương vào các cánh đồng lúa trên khắp Việt Nam.

Năm 2017, nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Trà Vinh bắt đầu hướng dẫn nông dân triển khai AWD trong các hội thảo đào tạo. Phó giáo sư Diệp Thanh Tùng là một trong những học giả hàng đầu đằng sau những hội thảo này và ông còn được biết đến với tên gọi “nông dân lĩnh vực trường học”. Dự án này được thực hiện tại 3 khu vực: Trà Vinh, Cần Thơ và An Giang.

“Những khu vực này bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là sản xuất lúa gạo”. PGS Tùng nói. “[Những người nông dân] sẽ mất trắng nếu họ không biết cách đối phó với tình trạng này.

“Với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi phải làm gì đó”, Phạm Vũ Bằng, một nghiên cứu sinh của trường Đại học Trà Vinh, người làm việc trực tiếp cùng nông dân ở lĩnh vực này, cho biết “Chúng tôi hiểu rằng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ … mang lại rất nhiều lợi ích. Lợi ích về môi trường, ví dụ như tiết kiệm nước, giảm phát khí thải nhà kính. Và ngoài ra, kỹ thuật này rất tốt cho vụ lúa”.

Kỹ thuật này được chứng minh là giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 30 đến 50%. Khí mê-tan được tạo ra từ việc trồng lúa chiếm 12% lượng khí thải mê-tan toàn cầu, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với khí các-bon.

“Lúa có tầng nước động trên ruộng. Và những giống khác thì không có được điều này. Với lớp nước đó, không có sự trao đổi giữa không khí và đất,” Bjoern Ole Sander, nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế cho biết. Khi kết hợp với oxy, một loại vi khuẩn thải khí mê-tan hình thành trong lớp nước. Nhưng bằng cách phá vỡ lớp nước đọng đó bằng AWD, nông dân có thể trồng cùng một lượng lúa mà không có vi khuẩn — và do đó ít khí thải hơn.

Lâm Thị Kính Thê đã tham gia hợp tác xã hơn 10 năm. Cô cũng đã tham gia dự án thí điểm và tham dự các hội thảo đào tạo do các nhà nghiên cứu của đại học Trà Vinh thực hiện sau khi nhận thấy những lợi ích của AWD.

“Các thầy cô từ Đại học Trà Vinh đến để hướng dẫn nông dân chúng tôi cách trồng lúa,” Lâm nói.

“Cách làm mới này cho phép chúng tôi tiết kiệm chi phí hơn. Đó là lý do tại sao nông dân chúng tôi đồng ý làm theo các phương pháp mới.”

lua vn 6

(Lâm Thị Kính đã làm việc với hợp tác xã hơn một thập kỷ và là người tham gia chương trình thí điểm năm 2017. Trong khi công nghệ đã ngừng triển khai, cô ấy vẫn tham gia các lớp học “trường học nông dân” để chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về canh tác AWD. Ảnh: Sonal Gupta.)

lua vn 7

(Một trong nhiều cảm biến sử dụng năng lượng mặt trời mà Trường Đại học Trà Vinh đặt xung quanh ruộng lúa của Hợp tác xã Phú Cần. Những cảm biến này cung cấp mực nước cho một ứng dụng mà nông dân có thể kiểm tra từ điện thoại thông minh của họ, cho phép họ chỉ tưới nước cho các cánh đồng chính xác khi họ cần. Ảnh: Giang Phạm).

Tại sao cần thực hiên ngay bây giờ?

Năm 2017, chính phủ Việt Nam đã đưa ra các cải cách nông nghiệp thông qua Nghị quyết 120, kêu gọi áp dụng các phương pháp phát triển bền vững. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đối với một quốc gia trong nhiều thập kỷ ưu tiên sản xuất lúa gạo.

Chính sách ưu tiên lúa gạo của Việt Nam được đưa ra vào những năm 1970 để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trong nước sau cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước này. Chính phủ đã xây dựng các tuyến đê trên khắp đồng bằng sông Cửu Long, cho phép sản xuất lúa gạo quanh năm. Việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để mở rộng trồng lúa đã đưa đất nước này trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới vào năm 1989, sau Thái Lan.

Nhưng các con đê đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước, cuốn trôi trầm tích và khiến Việt Nam càng dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Vào năm 2022, chính phủ đã lập một kế hoạch tổng thể cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tiếp tục sản xuất lúa gạo đồng thời chuyển trọng tâm từ khối lượng xuất khẩu cao hơn sang chất lượng cao hơn. Mục tiêu là cắt giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả đồng thời đa dạng hóa sản xuất và thực hiện cải cách hệ thống đê điều vào năm 2030.

“Điều đó có nghĩa là ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long phải được tái cơ cấu,” ông Vũ Bằng nói.

Nhiều nông dân đang đa dạng hóa bằng cách trồng nhiều loại cây trồng, chẳng hạn như trái cây và rau quả, hoặc nuôi tôm.

“Nhưng không phải tất cả nông dân đều có thể chuyển đổi… họ không có cách nào để ứng dụng các hệ thống canh tác khác, không có cách nào để họ có tôm, sinh kế duy nhất của họ là cây lúa,” ông Vũ Bằng nói.

lua vn 8

(Phạm Vũ Bằng là một nghiên cứu sinh của Đại học Trà Vinh, người đã giúp phối hợp các nỗ lực với nông dân địa phương để khuyến khích họ áp dụng các phương pháp bền vững hơn. Ảnh: Giang Phạm).

Mở rộng quy mô AWD

Ngay cả khi chính phủ thúc đẩy giảm lượng nước sử dụng, việc chuyển sang AWD không phải là điều dễ dàng đối với tất cả nông dân.

“Trung bình, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 0,5 ha [khoảng 1 mẫu Anh] mỗi hộ gia đình,” Sander nói. “Diện tích rất nhỏ, và họ cần đầu tư vào hệ thống tương tự. Vì vậy, nó không hiệu quả về chi phí.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng công nghệ cảm biến được sử dụng trong dự án thí điểm quá đắt để triển khai ở quy mô nhỏ. Nhưng vì các cảm biến đã trở nên rẻ hơn, ông nói rằng công nghệ này sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn trong tương lai gần.

“Toàn bộ câu hỏi về khí hậu hiện nay cấp bách hơn nhiều. Nó cấp bách hơn đối với các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng quốc tế, vì vậy cũng có thể có nhiều nguồn tài trợ hơn cho các loại công nghệ này,” ông nói.

Ông Sander cho biết thêm rằng để AWD thành công, ngay cả khi không có công nghệ cảm biến ứng dụng, nó cần được triển khai trên quy mô lớn hơn.

Ông nói: “Thật khó để làm việc với chỉ một số ít nông dân được tuyển chọn kỹ lưỡng để cố gắng giới thiệu AWD vì nếu tất cả các cánh đồng xung quanh bị ngập lụt, sẽ rất khó để thực sự quản lý nước theo AWD”.

Và nếu không được triển khai rộng rãi, những mảnh đất nhỏ hơn có thể không chống chọi được với các loài gây hại như chuột sẽ kiếm ăn trên những cánh đồng lúa khô, tránh những cánh đồng bị ngập nước trong khu vực.

Anh Ren, giống như nhiều nông dân ở vùng đồng bằng, đã dựa vào cách phổ biến là làm ngập ruộng để đuổi chuột.

“Nhưng bây giờ, hóa ra là nếu chúng tôi để cánh đồng khô ráo, lũ chuột có thể ăn ốc và cua, vì vậy điều đó cũng có ích,” chú nói.lua vn 9

(Trong hình ảnh tháng 12 năm 2022 này, một cánh đồng lúa ở Trà Vinh, Việt Nam, gần như đã sẵn sàng cho thu hoạch. Bị ngập sâu đến mắt cá chân, những cánh đồng này cần một lượng nước đáng kể để giữ cho lúa ngập nước trong suốt thời kỳ sinh trưởng. Ảnh: JJ Mazzucotelli).

lua vn 10

(Nông dân của Hợp tác xã Phú Cần có thể giữ cho ruộng lúa của họ khô ráo hơn đáng kể so với những người hàng xóm sử dụng phương pháp ngập úng truyền thống. Ngay cả khi không tiếp tục triển khai rộng rãi máy bơm “thông minh”, những trang trại này vẫn trải dài. Ảnh: Giang Phạm).

Tương lai của AWD

Tham gia vào dự án thí điểm là một bước nhảy vọt về niềm tin đối với những người nông dân như anh Ren. Giờ đây, với tình trạng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi cảnh quan vùng nước của Đồng bằng sông Cửu Long, đổi mới đang trở thành một điều cần thiết.

Ông Sander nói: “Ở nhiều khu vực, nước ngày càng trở nên khan hiếm do sử dụng nhiều hơn trong đô thị, sử dụng trong công nghiệp nhiều hơn [và] do lượng mưa khó lường hơn”.

“Tôi nghĩ rằng sản xuất lúa không ngập nước liên tục là tương lai ở khắp mọi nơi.”

Báo cáo bổ sung của Sen Nguyễn và Giang Phạm.

Hình ảnh biểu ngữ: Trong hình ảnh tháng 12 năm 2022 này, một cánh đồng lúa ở Trà Vinh, Việt Nam, gần như đã sẵn sàng cho thu hoạch. Bị ngập sâu đến mắt cá chân, những cánh đồng này cần một lượng nước đáng kể để giữ cho lúa ngập nước trong suốt thời kỳ sinh trưởng. Hình ảnh của JJ Mazzucotelli.

Câu chuyện này được thực hiện với sự hợp tác của các nghiên cứu sinh của Chương trình Báo cáo Toàn cầu tại Trường Báo chí, Viết và Truyền thông của Đại học British Columbia. Mongabay giữ toàn quyền kiểm soát biên tập bài báo đã xuất bản.

Người dịch: An Le – Chỉnh sửa: Bang Pham

Nguồn: Bài báo tiếng Anh từ Mongabay “Vietnamese rice farmers go high-tech to anticipate a low-water future

https://news.mongabay.com/2023/07/vietnamese-rice-farmers-go-high-tech-to-anticipate-a-low-water-future/?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

 

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…